Vấn đề lớn nhất của camera trên Pixel 4: “Góc rộng của tôi đâu?”

Vấn đề lớn nhất của camera trên Pixel 4: “Góc rộng của tôi đâu?”

IPhone 11 đã bắt kịp Pixel 3. Còn Pixel 4 thì sao?

Sau sự kiện giới thiệu iPhone 11 của Apple, nhiều người nhận ra rằng dù Apple đã đuổi kịp những tính năng như ống kính góc siêu rộng và chế độ chụp đêm, vẫn chưa rõ liệu chiếc iPhone mới có thể sánh ngang với điện thoại Pixel của Google xét về mặt chất lượng hình ảnh cơ bản. Thế nhưng, chỉ một thời gian đánh giá, mọi chuyện bắt đầu rõ ràng: Apple quả thực đã làm được điều tưởng chừng không thể. Năm nào Apple cũng tuyên bố iPhone mới của họ sở hữu một camera đẳng cấp hàng đầu, nhưng năm nay họ mới thực sự nói thật.

Câu hỏi tiếp theo là, chiếc Pixel 4 của Google sẽ vượt trội như thế nào. Chúng ta chưa thể trả lời được, giống như chúng ta không biết iPhone 11 tốt đến mức nào chỉ sau một ngày nó được công bố. Tuy nhiên, chúng ta có thể đoán được nhiều điều từ những gì Google đã – và không – nói trên sân khấu vào hôm qua.

Chúng tôi không quên chiếc camera” – Sabrina Ellis của Google nói ở gần cuối của bài thuyết trình. “Với Pixel 4, chúng ta sẽ nâng chuẩn mực lên một tầm mới một lần nữa, và mọi thứ bắt đầu với cái ô vuông nhỏ này đây”. “Nhỏ” có lẽ là một cách nói giảm nói tránh về cụm camera to bự của Pixel 4, tất nhiên, ẩn trong cụm camera này là những thứ sẽ mang lại thay đổi lớn nhất đối với camera của Pixel.

“Góc rộng vui đấy, nhưng chúng tôi nghĩ telephoto quan trọng hơn”

Thật lạ khi Google chọn ống kính telephoto làm ống kính thứ hai. “Góc rộng vui đấy, nhưng chúng tôi nghĩ telephoto quan trọng hơn” – lãnh đạo mảng nhiếp ảnh điện toán Marc Levoy nói trên sân khấu. Đó không phải là một tuyên bố vô căn cứ, bởi Apple đã đồng ý với điều này trong suốt 3 năm qua khi tung ra những chiếc điện thoại camera kép trước khi chuyển sang ống kính góc siêu rộng trên iPhone 11. Nhưng Google trong năm ngoái đã bỏ ra rất nhiều thời gian quảng cáo tính năng Super Res Zoom – vốn sử dụng các thuật toán đa khung hình để cải thiện chất lượng của việc zoom số truyền thống. Tất nhiên, Super Res Zoom không thể tốt bằng một ống kính telephoto quang học được, nhưng có còn hơn không, và Google vẫn tiếp tục tận dụng nó trên Pixel 4 để kéo dài khoảng cách zoom mặc định.

Nếu phần mềm có thể giả lập ống kính telephoto, thì nó không thể giả lập ống kính góc siêu rộng. Lý do các hãng trang bị ống kính này cho điện thoại là bởi đó là cách duy nhất để có thể chụp được những khung hình với góc nhìn như vậy. Tại sao, khi cuối cùng cũng quyết định thêm một ống kính thứ hai sau nhiều năm khẳng định nó là điều không cần thiết, Google lại chọn ống kính telephoto để giải quyết một vấn đề mà hãng đã có giải pháp thay thế, thay vì một ống kính có thể giúp người dùng tiếp cận những thể loại ảnh hoàn toàn mới mẻ?

Hoặc tại sao họ không thêm vào cả ống kính góc siêu rộng lẫn telephoto? Pixel 4 là một chiếc điện thoại đắt đỏ, với một cụm camera lớn. Mọi đối thủ của Google trên thị trường cao cấp hiện nay đều bán những chiếc điện thoại với cụm camera 3 ống kính – đó chẳng phải là một tính năng xa lạ nữa. Chắc chắn chúng ta sẽ thấy nó trên Pixel 5.

Vấn đề lớn nhất của camera trên Pixel 4: Góc rộng của tôi đâu? - Ảnh 1.

Nhìn chung, Google hầu như chẳng có gì để nói về phần cứng camera của Pixel 4 trên sân khấu ngoài ống kính thứ hai kia. Hóa ra ống kính chính cũng được cải tiến, với khẩu độ tăng nhẹ từ f/1.8 lên f/1.7, còn cảm biến vẫn giữ nguyên 12-megapixel và có lẽ là kích cỡ cảm biến cũng không thay đổi.

Nhưng phần cứng không phải là thứ giúp camera của chúng tôi tốt hơn” – Ellis nói. “Món nước sốt đặc biệt biến camera Pixel của chúng tôi trở nên độc nhất là nhiếp ảnh điện toán”. Chắc chắn rồi, và tiếp sau đó là một phần trình bày lôi cuốn từ Levoy về cách mà Pixel tạo ra ma thuật. Hoặc, như anh này miêu tả theo một giọng điệu “đá xoáy” Apple: “Đó không phải là khoa học điên rồ, đó đơn thuần là vật lý”.

Sau khi giải thích các nguyên tắc cơ bản của HDR+, Levoy đi vào chi tiết 4 tính năng điện toán mới được bổ sung cho Pixel 4. Đầu tiên là Live HDR+, sử dụng machine learning để tính toán HDR+ trong thời gian thực, cho phép bạn xem nó ngay trong viewfinder. Nó còn cho phép bạn điều khiển độ phơi sáng của camera với các thanh trượt highlights và shadows, nhờ đó việc tạo ra những tác phẩm như ý muốn trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Pixel 4 nay sẽ sử dụng machine learning để tự động cân bằng trắng trong mọi chế độ, thay vì chỉ trong Night Sight như trước – những ví dụ mà Levoy đưa ra bao gồm cảnh tuyết rơi, vốn khá khó nhằn kể cả đối với các camera truyền thống. Chế độ chân dung của Pixel 4 sử dụng ống kính telephoto để tạo ra bản đồ chiều sâu tốt hơn, và nó hoạt động với một loạt các chủ thể khác nhau. Cuối cùng, Night Sight nay có thêm chức năng nhiếp ảnh thiên văn, vốn ghép các hình ảnh đã được phơi sáng trong 4 giây để tạo ra những bức ảnh sắc nét về bầu trời sao.

Tất cả những tính năng đó nghe khá hay, và chúng ta có thể ngồi đó xem Marc Levoy nói về các thuật toán HDR hàng giờ liên. Nhưng chẳng biết liệu những công bố này có góp phần mang lại những cải tiến đáng chú ý và đầy ý nghĩa trong chất lượng hình ảnh đơn thuần đối với những thể loại ảnh chúng ta chụp mỗi ngày hay không. Chụp sao thú vị đấy, nhưng đó có phải là một điểm hút khách không? Điều quan trọng là Google đã thúc đẩy những kết quả họ thu được trên lĩnh vực nhiếp ảnh đi xa hơn đến mức nào.

Về cơ bản, đây chính là điều mà nhiều người nghĩ về iPhone 11 sau khi nó được công bố, và hóa ra Apple đã có một bước nhảy vọt trong nhiều năm dẫu rằng phần cứng camera gần như giống như trước. Chúng ta sẽ không biết camera Pixel 4 thực sự tốt đến đâu cho đến khi dành nhiều thời gian hơn để trải nghiệm nó. Nhưng camera của Pixel 3 vẫn là một trong những camera đỉnh nhất thế giới, nên chẳng có lý do gì để trông chờ bất kỳ thứ gì tuyệt vời hơn nữa.

Rốt cuộc thì, camera góc siêu rộng đâu rồi Google?

Tham khảo: TheVerge

 

 

Tổng quan đánh giá

Bấm để đánh giá chất lượng

Chấm điểm trung bình / 5. Số lần đánh giá:

Chưa có đánh giá, bạn hãy là người đầu tiên !

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status